Ánh sáng trong nhà hàng, cửa hiệu và trung tâm thương mại
Trong phần 4 này chúng ta tiếp tục nghiên cứu ánh sáng 3D Max và phương pháp chiếu sáng diễn họa cho thể loại nhà hàng khách sạn, quán bar, trung tâm thương mại.
Phần 1 hướng ánh sáng
Phần 2: ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo
Phần 3: ánh sáng tự nhiên
Tương tự như loại ánh sáng thông thường dùng trong các hộ gia đình, dạng chiếu sáng này cũng rất đa dạng, thường dùng để khơi gợi cảm xúc và thu hút ánh nhìn. Trong hầu hết các trường hợp, hệ thống đèn được thiết kế rất chu đáo nhằm đạt được kết quả mong muốn. Do đó sự nghiên cứu kĩ càng không bao giờ là thừa nếu bạn muốn tái hiện lại ý tưởng của bản thân một cách trung thực nhất.
Khi render diễn họa 3D max vray, chúng ta quan sát thấy các nhà hàng thường gắn nhiều đèn thấp và dịu để tạo bầu không khí thoải mái. Có thể có nhiều loại nguồn sáng khác nhau được sử dụng kết hợp, từ ánh đèn rọi để làm nổi bật bình hoa trên bàn ăn, cho đến nến được cắm trực tiếp trên bàn. Rõ ràng là chẳng có nhà hàng nào là giống nhau hoàn toàn cả, ở đây sự đa dạng sẽ tạo nên điểm nhấn khác biệt. Quan sát cách chiếu sáng trong nhà hàng là một cách rất hay để nắm bắt cách truyền đạt cảm xúc và không khí trong thiết kế đèn nội thất.
Một chi tiết quan trọng khác là khi thiết kế nội thất trong một nhà hàng hoặc quán bar là việc sử dụng một lượng lớn các loại đèn sẽ tạo nên nhiều điểm sáng phản chiếu, thể hiện trên các bề mặt như bộ dao nĩa hay đĩa ăn, và từ đó có thể chiếu thẳng đến mắt người. Tương tự như ánh sáng trong hộ gia đình, hệ thống chiếu sáng có sự đa dạng về màu sắc và cường độ, tạo nên những vùng sáng trải khắp căn phòng.
Đối với những cửa hiệu với nhu cầu chiếu sáng đa dạng, tạo tầm nhìn tốt và tiết kiệm chi phí là yếu tố hàng đầu. Xu hướng chủ yếu là các cửa hiệu được thắp sáng với ống huỳnh quang tạo cảm giác sáng sủa và gọn ghẽ, cũng như sử dụng các ánh đèn bổ sung cho các mục đích trưng bày đặc biệt. Khi muốn thiết kế nội thất một khung cảnh nhất định, hãy nghĩ đến chức năng của nơi đó trước khi chú ý đến hệ thống chiếu sáng.
Rõ ràng là vấn đề này rất rộng và trong khuôn khổ bài viết có quá nhiều thứ mà tôi chưa nhắc đến. Việc bạn cần làm là tự mình quan sát, có thể chụp ảnh với thật nhiều góc độ ánh sáng khác nhau để làm nguồn tham khảo.
Đây là mẫu nhà hàng khá phổ biến, đầy màu sắc với khá nhiều nguồn sáng được sử dụng kết hợp. Không gian tràn ngập các sắc màu và những hình ảnh bắt mắt, chắc hẳn người chủ đã bỏ ra rất nhiều tâm tư và công sức cho một nơi như thế này.
Đây là góc nhìn cận cảnh hơn, để ý đến các điểm sáng trên dãy ly, chúng là ánh sáng phản chiếu từ rất nhiều loại nguồn sáng khác nhau trong căn phòng.
Một trung tâm thương mại điển hình khá sáng sủa và gọn gàng, mặc dù đã chỉnh lại màu cho bức hình, thế nhưng vẫn còn những chấm xanh từ ánh sáng đèn. Ngoài ra, bóng đổ của ghế cũng rất đa dạng do chịu ảnh hưởng từ nhiều loại nguồn sáng cố định khác nhau.
Ánh sáng đèn huỳnh quang
Ánh sáng huỳnh quang chủ yếu được sử dụng khi yếu tố chi phí được chú trọng, nhiệt độ màu của chúng có màu xanh lục, và mặc dù não người có thể nhận ra và bù trừ vào độ cân bằng trắng trong khung cảnh, cảm nhận của chúng ta về ánh sáng vẫn không được cải thiện nhiều. Loại thắp sáng này thường được dùng trong các văn phòng, nhà ga, các công trình công cộng và bất kì nơi nào cần cắt giảm chi phí thắp sáng.
Ánh sáng huỳnh quang (dùng vray mesh hoặc vray plan) thường được lắp riêng lẻ và liền kề nhau để thắp sáng những khu vực rộng lớn. Chúng tạo nên nhiều bóng đổ chồng chéo nhau và vô số vùng sáng hình chữ nhật. Cường độ ánh sáng sẽ quyết định độ sáng: các cửa hiệu dùng nhiều đèn để tạo không gian sáng sủa, thoáng đãng trong khi bãi đỗ xe thường tối hơn với ít đèn được lắp hơn.
Bức ảnh được chụp với chế độ “daylight balanced” dưới ánh sáng đèn huỳnh quang, bạn có thể thấy sắc xanh khá mạnh tỏa ra từ loại đèn này.
Ánh sáng hỗn hợp
Sự hòa trộn của ánh sáng tự nhiên (vray sun) và nhân tạo thường rất dễ bắt gặp kể cả trong nhà hoặc ngoài trời (đặc biệt là thời điểm nhá nhem tối và ban đêm). Kết quả là ta có được nhiều sự pha trộn rất thú vị về màu sắc và cường độ đến từ sắc xanh của ánh sáng tự nhiên và sắc cam của ánh sáng đèn dây tóc.
Khi trời chiều hoặc sụp tối, các vật thể đặt gần cửa sổ với rèm cửa được mở, sẽ thể hiện sự pha trộn giữa ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo này khá rõ nét. Loại ánh sáng này cũng khá thường thấy ở ngoài trời, ví như việc các đồ vật được thắp sáng bởi đèn đường, cũng sẽ có ánh sáng tự nhiên đóng vai trò như một nguồn sáng phụ. Thêm nữa, ánh sáng từ các tòa nhà có thể có khá nhiều màu sắc thú vị, tạo nên sự tương phản đối lập với ánh sáng tự nhiên đến từ bầu trời.
Cá nhân tôi thường sử dụng ánh sáng hỗn hợp trong các tác phẩm của mình vì sự bắt mắt và tính truyền cảm tuyệt vời mà nó mang lại.
Hai tác phẩm trên đây của tôi là ví dụ cho việc sử dụng ánh sáng hỗn hợp trong phối màu, tạo bầu không khí tươi vui.
Trong bức hình bạn có thể thấy được sự thú vị trong màu sắc của quang cảnh đô thị, với ánh đèn ấm áp phát ra từ tòa nhà Quốc Hội được thiết kế giúp tôn lên vẻ đẹp của tòa nhà trong ánh chiều tà.
Sự pha trộn màu sắc giữa ánh đèn huỳnh quang từ các cửa kính, ánh đèn đường và ánh sáng từ bầu trời tạo nên khung cảnh vô cùng lạ mắt.
Một ví dụ khác cho thấy sự hòa trộn giữa ánh sáng từ bên trong và bên ngoài cửa sổ.
Ánh sáng từ lửa và nến
Ánh sáng từ lửa thậm chí còn có màu đỏ đậm hơn so với ánh sáng từ đèn dây tóc. Thực chất, nhiệt độ màu của lửa thấp đến nổi não bộ của chúng ta không thể nhận biết được và ta thường cảm nhận được nó có sắc cam hoặc đỏ.
Một yếu tố khác cần lưu ý về các nguồn sáng loại này là vị trí của chúng. Chúng thường được đặt thấp hơn nhiều so với những nguồn sáng khác: lửa cháy trên đất bằng, và nến thường được đặt trên bàn hoặc trên những vật dụng khác trong khi bóng đèn được treo trên cao. Điều này ảnh hưởng đến mọi thứ: từ cách ánh sáng chiếu vào các bề mặt, bóng đổ cho đến vị trí các điểm sáng nổi bật. Cuối cùng, một điểm cần lưu ý khác là nguồn sáng loại này thường di động khi ánh lửa và ánh nến đu đưa qua lại.
Ánh nến có màu đỏ rất mạnh nên tôi đã làm dịu nhiệt độ màu thực để bức hình trông tự nhiên hơn. Não người không thể nhận biết được những màu quá mạnh, vì vậy nên chúng ta thường cảm nhận được ánh nến khá ấm áp.
Ánh sáng đường phố
Ánh đèn đường phố có màu cam đậm (ít nhất là ở Anh nơi tôi sống), và chúng có phổ màu rất hẹp và không cho ra bất kỳ một loại màu sắc nào khác. Điều này làm mọi thứ bên dưới ánh đèn này đều có một màu cam đơn sắc.
Nếu đặt giữa hai hoặc nhiều ánh đèn đường, vật thể sẽ cho ra khá nhiều bóng đổ. Vùng sáng bên dưới đèn đường thường khá nhỏ và hòa vào bóng tối nhanh, làm đường phố vào ban đêm có độ tương phản rất cao.
Bạn có thể thấy phạm vi màu sắc của các vật dưới ánh đèn đường rất hẹp, trừ bãi cỏ thì mọi thứ đều mang sắc cam. Bóng đổ theo nhiều hướng vì có nhiều nguồn đèn chiếu sáng, độ tương phản rất cao do sự thiếu vắng của các nguồn sáng phụ. Bầu trời phía sau những nhánh cây cũng có màu da cam do sự ô nhiễm ánh sáng từ đường phố London.
Ánh sáng trong nhiếp ảnh
Một bài giải thích chi tiết về ánh sáng trong nhiếp ảnh thì vượt quá khuôn khổ của bài viết này, tuy nhiên tôi sẽ đề cập đến nó một cách tóm tắt để bạn có thể sử dụng nó như một nguồn tham khảo. Dĩ nhiên là có rất nhiều loại nguồn sáng được sử dụng trong nhiếp ảnh, phổ biến nhất là trong chụp ảnh chân dung và chụp hình sản phẩm, ánh sáng tỏa ra rất nhẹ từ một đèn flash khuếch tán.
Loại ánh sáng này khá dễ nhận biết vì không tạo bóng đổ, vì vậy nên nếu mẫu ảnh cần loại ánh sáng này, bạn có thể sử dụng và tùy chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu đặt ra. Dĩ nhiên là điều này cũng được áp dụng cho tất cả các loại ánh sáng khác được nhắc đến trong tài liệu này.
Ánh sáng dịu không đổ bóng với điểm sáng rộng rất phổ biến trong quảng cáo, thường được dùng trong chụp ảnh sản phẩm và chụp chân dung. Loại ánh sáng này được tạo ra bằng cách sử dụng các hộp sáng mờ lớn đóng vai trò như các nguồn sáng khuếch tán rộng.
Các loại ánh sáng khác và một số tình huống đặc biệt
Hi vọng rằng tôi đã đề cập được hầu hết các loại ánh sáng thường gặp. Tuy nhiên tôi không có ý định tạo nên một bản hướng dẫn chi tiết cho mỗi trường hợp, thay vào đó tôi khuyến khích các bạn nên tự quan sát và nắm bắt. Chúng ta thường xem nhẹ và lờ đi tính chất của ánh sáng vì nó luôn hiện hữu xung quanh. Thật ra khi đã để tâm tìm hiểu về ánh sáng thì bạn đã hoàn thành bước khó nhất và quan trọng nhất, nắm bắt được tính chất của nó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Hi vọng rằng với những kiến thức được trang bị từ bài viết, bạn có thể tìm ra cách ánh sáng phản ứng và thể hiện trong những tình huống khác nhau như thế nào, điều đã không được giải thích cặn kẽ ở đây. Ví dụ như bạn đang cần tìm cách chiếu sáng cho một khung cảnh dưới nước trên một đảo san hô nhiệt đới chẳng hạn. Ánh sáng sẽ đến từ đâu? Ánh sáng sẽ phản ứng ra sao trong môi trường này? Nó có màu gì? Độ phản chiếu là bao nhiêu? Và còn có cả sự khuếch tán, độ trong và bóng đổ.
Tôi thật sự mong rằng các bạn có thể sử dụng những kiến thức trên như một bệ phóng trong quá trình thực tập. Tự sáng tạo nên nhwungx khung cảnh 3D Max cụ thể và test render với nhiều hiệu ứng ánh sáng khác nhau, se xmau tiến bộ.
Học vẹt những công thức thì dễ như ăn kẹo (chiếu sáng 3 điểm là một ví dụ điển hình), tuy nhiên sự thiếu hụt kiến thức trầm trọng về ánh sáng ban đầu sẽ chỉ dẫn tới lối mòn trong suy nghĩ. Thực tế là bạn hoàn toàn có thể tự mình quan sát và thỏa sức sáng tạo. Đó mới là mục đích thật sự của bài viết này.
Chúc các bạn thành thạo và có nhiều tác phẩm đẹp.